Hiện tượng ngày và đêm trên Trái Đất


TẠI SAO LẠI CÓ NGÀY VÀ ĐÊM?

Ai cũng biết rằng, ngày thì sáng còn đêm thì tối. Vì sao lại như thế? Rất đơn giản thôi các em ạ. Trái Đất của chúng ta là một vật thể hình cầu, đặc và không tự phát sáng. Sở dĩ có ánh sáng trên Mặt đất là nhờ có Mặt Trời. Mặt Trời tỏa sáng gởi những tia nắng của mình tới Trái Đất.




Trái Đất của chúng ta hình cầu nên Mặt Trời chỉ chiếu sáng được nửa phần Trái Đất, trên nửa đó là ban ngày, nửa còn lại sẽ là ban đêm. Nếu Trái Đất đứng yên thì chỉ một nửa Trái Đất luôn luôn được chiếu sáng, ban ngày sẽ kéo dài mãi mãi. Còn nửa kia là ban đêm vĩnh viễn. Rất may mắn là Trái Đất tự quay quanh trục của mình, nên toàn bộ trục của Trái Đất được chiếu sáng đều đặn, ngày đêm kế tiếp nhau không ngừng. Khi Hà Nội là ngày thì ở một địa điểm cách xa Hà Nội đúng nửa vòng Trái Đất như Lahabana (Cuba) sẽ là đêm. Còn khi Lahabana là ngày thì Hà Nội sẽ là đêm. Thời gian để Trái Đất quay trọn một vòng quanh mình nó là một ngày, mỗi ngày có 24 giờ.

(Nguồn: Vũ trụ quanh em - tập 1- Nguyễn Thị Vượng, Nguyễn Thanh Vương, NXB Giáo dục, 2004)