Vì sao Trái Đất không bị rơi xuống?


Vì sao Trái Đất không bị rơi xuống?

Chúng ta đều biết, các vật thể xung quanh ta đều có một thứ gì đó nâng đỡ thì mới không bị rơi xuống. Vậy còn Trái Đất thì cái gì đỡ cho nó nhỉ?
Lời đáp cho câu hỏi này chỉ sau khi nhà bác học người Anh là Ixắc Niutơn phát hiện ra định luật “Vạn vật hấp dẫn” mới có được.
Niutơn phát hiện ra rằng tất cả các vật thể, giữa chúng đều có sức hút lẫn nhau.
Một vật thể có khối lượng càng lớn thì sức hút, hay lực hấp dẫn của nó đối với các vật thể khác cũng càng lớn. Mặt Trời có khối lượng lớn gấp 333 000 lần Trái Đất, sức hút của nó đối với Trái Đất cực lớn. Nhưng vậy thì tại sao Trái Đất lại không bị hút vào Mặt Trời? Tại vì Trái Đất quay vòng quanh Mặt Trời với tốc độ rất nhanh, mỗi giây tới 30 cây số. Tất cả vật thể nào có sự vận động quay tròn đều sinh ra một lực ly tâm. Do sự vận động Trái Đất nên sản sinh ra lực ly tâm rất lớn, nó cân bằng với sức hút của Mặt Trời đối với Trái Đất. Cho nên Trái Đất cứ lơ lửng trong không gian mà không bao giờ bị rơi vào Mặt Trời.

(Theo Đố em tại sao…?, tập 3, Dương Phúc Bình chủ biên, Phong Lan dịch)